70% bệnh nhân mắc bệnh do ăn tiết canh
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước ghi nhận 171 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn ở người, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Hơn 4 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 30 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 4 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn.
|
Tiết canh là “thủ phạm” gây ra bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người. Ảnh: Bùi Tuấn |
Tuy nhiên, vi khuẩn có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Trong một đàn lợn khỏe mạnh cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn.
Thậm chí, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó có mắc liên cầu khuẩn hay không. Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn khỏe mạnh, nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và bị tử vong.
Đáng nói, nhiều người cẩn thận tìm mua lợn ở vùng núi về chế biến tiết canh, vì nghĩ là sạch, nhưng cũng đã có người phải nhập viện chỉ sau vài giờ thưởng thức món khoái khẩu này. “Với lợn nhiễm liên cầu (cả lợn lành mang trùng và lợn bệnh) trong tiết và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C). Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ, người ăn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao” – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo.
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 – 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Dấu hiệu chính của bệnh là viêm màng não (sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, cứng gáy, rối loạn tri giác), xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ diễn biến nặng, dẫn đến tử vong do sốc tụt huyết áp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết, xuất hiện các ban hoại tử trên da… Tỷ lệ tử vong của bệnh từ 5% đến 20%.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, tiêu chảy khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường nên chủ quan. Có trường hợp khi đến viện, tình trạng bệnh đã bước vào giai đoạn nặng, khó cứu chữa.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có khoảng 70% số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh; còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Người đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau, bởi căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài. Lợn là ổ chứa bệnh chủ yếu, ngoài ra vi khuẩn gây bệnh được phát hiện ở các động vật khác, như: Trâu, bò, ngựa, cừu, dê, chó, mèo, chim…
Bỏ thói quen ăn đồ sống
Mặc dù bệnh liên cầu khuẩn lợn không phát triển thành dịch, chỉ rải rác quanh năm, nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao, nên người dân không nên chủ quan. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải nằm viện điều trị lâu dài và phải lọc máu với chi phí rất tốn kém, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ca, song nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi.
Thậm chí, sau khi điều trị, nhiều người bệnh còn để lại di chứng, phải cắt cụt tay, chân hoặc bị điếc. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là người dân cần bỏ thói quen ăn đồ sống.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đến nay, nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng việc tuân thủ bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Người dân không nên ăn tiết canh, thực phẩm chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Ngoài ra, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Đặc biệt, khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.