Vừa qua, các báo đã đăng tải thông tin về vụ việc Công ty Vicem Hoàng Mai đã sản xuất xi măng giả, gắn nhãn mác của xi măng Long Sơn (Thanh Hóa). Cụ thể, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 18.000 tấn xi măng Hoàng Mai gắn mác xi măng Long Sơn để xuất khẩu. Sau đó, phát hiện thêm 1.542 tấn xi măng Hoàng Mai giả nhãn mác xi măng Long Sơn.
Theo đó, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại vì mục đích kinh doanh (sử dụng bao bì in nhãn hiệu Zebra, tên thương mại và các thông tin khác của Chi nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam cung cấp để đóng gói xi măng mang nhãn hiệu Zebra). Tổng khối lượng xi măng giả nhãn mác là 19.869 tấn, trị giá hơn 18,9 tỷ đồng.
Sau nhiều tháng điều tra, giám định chất lượng, Phòng cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An khẳng định 19.653 tấn xi măng Vicem Hoàng Mai gắn mác bao bì xi măng Long Sơn nói trên không phải là hàng kém chất lượng mà chỉ vi phạm sở hữu trí tuệ nên cơ quan chức năng trả số xi măng nói trên cho doanh nghiệp, tránh bị hư hỏng.
Vậy những hành vi như thế nào được coi là vi phạm sở hữu trí tuệ.
Vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu được hiểu là việc thiết kế, chế biến, đóng gói, vận chuyển, tàng trữ, chào hàng, mua bán hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu.
Theo đó, không chỉ hành vi mua bán hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu mà cả những hành vi khác như thiết kế, tàng trữ, mua bán, sản xuất tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu cũng sẽ bị coi là hành vi vi phạm nhãn hiệu và tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật
Căn cứ Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, những hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu gồm:
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. (Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ).
– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. (Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ)
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ. Kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng. (Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng)
Chúng ta có thể bắt gặp những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thông qua các hành vi như:
+ Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ.
+ Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi vừa nêu trên.
+ Ngoài ra còn có rất nhiều những hành vi khác.
Yếu tố đánh giá vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu
Các hành vi vi phạm nhãn hiệu được cụ thể hóa trong các quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Theo đó, yếu tố đánh giá vi phạm (xâm phạm) quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu bao gồm:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đã được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, theo đó sẽ phải xem xét khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Khi cá nhân, doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ bị phạt theo những điều khoản xử lý vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu:
Điều 11. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:
a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng……”
Điều 12. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý
1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng…”
Điều 13. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có số luợng đến 500 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tương đương (sau đây gọi tắt là đơn vị):
a) Bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; cung cấp; tàng trữ; trưng bày để bán tem, nhãn, bao bì, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có số lượng từ trên 500 đơn vị đến 1.000 đơn vị.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có số lượng từ trên 1.000 đơn vị đến 2.000 đơn vị.”
Do sản xuất xi măng giả nhãn mác xi măng Long Sơn, Công ty xi măng Vicem Hoàng Mai và Công ty Viết Nam bị xử phạt thích đáng, cụ thể là xử phạt hành chính mỗi công ty 400 triệu đồng.
Qua sự việc trên chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của mình, nó là bằng chứng thép để chứng mình quyền của mình đối với nhãn hiệu và buộc tội đối với tổ chức cá nhân xâm phạm nhãn hiệu của mình.
Mọi vấn đề thắc mắc liên hệ tổng đài 1900 8698 để được tư vấn chi tiết